Oằn lưng cõng phí vận tải

Hàng loạt chi phí tại cảng, chi phí vận chuyển và thuế tăng, các doanh nghiệp vận tải phải oằn lưng chống đỡ và gánh nặng đó đang được chuyển sang vai người tiêu dùng. 

Nhiều doanh nghiệp làm dịch vụ tàu biển, dịch vụ vận tải hàng hóa nội địa đều khẳng định họ buộc phải tính hết những khoản tăng vào giá dịch vụ trọn gói. Trong khi các chủ hàng lại cho hay với khoản chi phí tăng thêm, giá thành hàng hóa cũng bị đội lên theo.

Hàng xuất, nhập đều gặp khó:

Ông Kevin Thơ, một đầu mối nhập khẩu thực phẩm tại TP.HCM, cho biết giá gà nhập khẩu đã tăng 8-10% so với thời điểm này năm ngoái. Nhà cung cấp khẳng định đó là do chi phí cước tàu biển đội lên cao.

Theo ông Thơ, từ khi cước tàu tăng mạnh trở lại, giá gà nhập khẩu đã nhảy thêm tới 80-100 USD/tấn (mức tăng phụ thuộc vào nhà cung cấp và hãng vận chuyển). Có hai yếu tố thường tác động trực tiếp đến giá thực phẩm nhập khẩu là lượng hàng và cước vận chuyển. Hiện giá giao dịch khi chưa có cước vận chuyển trên thị trường thế giới vẫn ổn định do hàng dồi dào, nhưng khi ký hợp đồng, cộng thêm cước vận chuyển thì so với cùng thời điểm năm trước, giá các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu bị tác động mạnh.

Tương tự, ông Khổng Văn Trung, chuyên nhập nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở sản xuất bánh kẹo ở TP.HCM, khẳng định đã tăng giá nguyên liệu bỏ sỉ thêm 5%, trong đó phần lớn do phải trả thêm tiền cho dịch vụ vận chuyển.

Trong khi đó, bà Đỗ Thị Kim Loan, tổng giám đốc Công ty TNHH Sao Nam (Bình Dương), cho hay mặc dù xuất khẩu theo hình thức FOB (nhà nhập khẩu sẽ được quyền chỉ định hãng tàu và thanh toán cước) nhưng lô hàng hai container đồ gỗ của công ty chuẩn bị xuất sang thị trường Anh vào ngày 17-5 tới cũng bị tác động nhiều bởi cước vận chuyển tăng giá.

“Nếu không có tác động bởi cước tàu tăng thì giá xuất của chúng tôi có thể cao hơn” - bà Loan khẳng định.

Tương tự, bà Ngọc Liên, chủ một cơ sở chuyên sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm chế biến sang Mỹ, cũng đau đầu vì công ty chào giá ở mức vừa sát với chi phí sản xuất... nhưng cả hai đối tác đều ép công ty phải gánh thêm khoản giá cước tàu biển tăng. Nếu theo yêu cầu của bạn hàng, mỗi container trị giá khoảng 17.000 USD công ty phải giảm khoảng 700-800 USD.

Tăng khoảng 20%

Mặc dù chuyển phần cước tăng vào giá dịch vụ nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn gặp khó. Mới chập chững bước vào ngành vận tải được gần bốn tháng, đại diện Công ty vận tải Gia Huy đã phải kêu liên tục về tình trạng các chi phí nảy sinh.

Chỉ riêng tác động bởi giá xăng, từ khi bước vào hoạt động đến nay công ty đã phải điều chỉnh cước vận chuyển tăng thêm hơn 10%. Tiếp đó phải thu thêm 5% thuế giá trị gia tăng được điều chỉnh tăng thêm (mức thu hiện nay là 10%).

“Ba tháng nay, lời lãi không thấy đâu, chỉ mỗi việc giải thích các khoản phí cho khách hàng cũng đủ mệt”, đại diện công ty này rầu rĩ.

Một số doanh nghiệp vận tải hàng hóa container cho hay giá cước vận tải nội địa đã đội lên khoảng 20% so với cuối năm 2009.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, giám đốc Công ty cổ phần thương mại dịch vụ vận tải Hợp Thành Công, khẳng định cước vận tải tăng do giá dầu tăng và thu thêm thuế giá trị gia tăng. Đây là yếu tố khách quan nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp.

 

Giảm chi phí đi đường

Ông Thái Văn Chung, tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, khẳng định trong ngành vận tải hiện nay tăng cước không hề dễ dàng, bởi cạnh tranh giữa các hãng vận tải rất lớn. Do đó, để giữ mức cước cạnh tranh, các doanh nghiệp chỉ có thể tiết kiệm các chi phí đi đường. Những chi phí này (chưa kể phí cầu đường) chiếm tới 10% trong giá cước vận tải.

Tại một số cảng ở TP.HCM, từ đầu tháng 4-2010 hàng loạt chi phí khác đã tăng giá. Vừa nhập một container nguyên liệu về được ba ngày, nhưng chi phí mà nhân viên nhập khẩu Công ty TNHH thương mại xây dựng Hưng Thịnh (TP.HCM) phải đóng khoảng 2,47 triệu đồng, gồm: phí chứng từ, phí vệ sinh container, phí cầu cảng bến bãi...

 

Công ty dịch vụ tàu biển Liên Anh cho biết phí nâng hạ container để đưa lên xe, nâng hạ container để kiểm hóa, di chuyển bến bãi mới tăng, chi phí lưu công tại cảng cũng tăng mức thu lũy tiến...

Ở mặt hàng xuất khẩu, tác động mạnh nhất là cước tàu biển. Từ đầu năm 2010 đến nay, hàng loạt hãng tàu biển ra thông báo tăng giá cước và áp dụng từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 - 2010.

Ngoài ra, một số hãng tàu còn khẳng định sẽ tăng cước, trong đó hầu hết các tuyến xuất nhập khẩu với các thị trường chính của VN đều sẽ điều chỉnh. Mới đây nhất, Hãng MOL của Nhật Bản thông báo sẽ tăng cước và thu thêm phụ phí mùa cao điểm, chính thức áp dụng từ ngày 1-6. Theo đó, mức cước tăng thêm trong khoảng 160-300 USD/TEU (container 20 feet), phụ phí chứng từ xuất xứ tăng từ 20 USD lên tới 50 USD...

Ước tính sơ bộ, giá cước vận tải đã tăng trên 20% so với cuối năm 2009, còn nếu so với thời điểm này năm ngoái giá cước một số hãng đã tăng gấp đôi.

TUỔI TRẺ

Tỷ giá & Giá vàng
CodeBuyTransferSell
EUR24936.4425011.4725234.98
GBP31937.2232162.3632449.78
HKD2836.762856.762893.85
INR0333.5346.6
JPY197.94199.94201.73
KRW019.3720.64
KWD073782.7876680.5
MYR05678.385752.09
NOK02677.922761.96
RUB0304.9372.99
SAR05932.456165.44
SEK02706.122774.35
SGD16266.4216381.0916593.72
THB622.95622.95648.95
Ngày lễ quốc tế

Coming Soon!

Giờ quốc tế